Biện pháp phòng chống bệnh cúm gia cầm
Cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do vius H5N1 gây ra, có khả năng gây ra đại dịch và lây sang người. Hiện nay, bệnh không có thuốc điều trị vì vậy việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh là cần thiết đối với người chăn nuôi gia cầm.
Để chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm, người chăn nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Phải báo ngay cho cán bộ thú y hoặc chính quyền địa phương khi thấy đàn gà có các biểu hiện (triệu chứng) sau
Gà sốt cao, uống nhiều nước, gà khó thở, vảy mỏ, chảy nước mắt, nước mũi, hắt hơi. Mào tích thâm, tím tái, sưng phù, hoại tử. Tiêu chảy phân xanh, phân trắng, phân vàng. Xuất huyết da chân. Tỉ lệ mắc bệnh và tỉ lệ chết ca cao.
2. Làm tốt công tác kiểm dịch động vật, ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập vào khu vực chăn nuôi và lây lan dịch bệnh
Nhập mua con giống an toàn dịch bệnh, có chứng nhận của cơ quan thú y, có nguồn gốc rõ ràng, nên mua ở các cơ sở cung cấp con giống có uy tín, thương hiệu và chỉ chọn những gia cầm khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Không mua bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm ốm hoặc nghi mắc bệnh.
Gia cầm mua về phải nuôi cách ly (nuôi tân đáo khi nuôi nhiều đàn, nhiều lứa) trong thời gian 2-3 tuần để theo dõi, xử lý khi gia cầm có biểu hiện bất thường và ngăn chặn dịch bệnh lây lan
Hạn chế khách tham quan khu vực chăn nuôi, đối với người có nhiệm vụ ra, vào trại phải tuân thủ các điều kiện an toàn vệ sinh thú y (thay quần áo, ủng, mũ, khẩu trang,...).
Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm, dụng cụ, phương tiện vận chuyển... ra, vào khu vực chăn nuôi.
Khi gia cầm ốm hoặc chết phải báo ngay cho cán bộ thú y để được tư vấn, hướng dẫn biện pháp xử lý nhằm giảm thiểu rủi ro, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Không bán chạy khi thấy gia cầm ốm hoặc chết, không vứt xác gia cầm chết bừa bãi (Xác gia cầm chết phải được chôn sâu, rải vôi bột hoặc phun hóa chất tiêu độc khử trùng theo quy định thú y).
3. Thực hiện tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm theo hướng dẫn của cơ quan thú y
Tiêm phòng dịch cúm cho đàn gia cầm Tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Liều lượng và cách dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
4. Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi
Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, dụng cụ, trang thiết bị chăn nuôi, định kỳ phun tiêu độc khử trùng chuồng trại (1-2 lần/tuần) bằng các loại hoá chất như BTV – Glutar hoặc BTV - Iodine,...có thể dùng vôi bột rắc xung quanh khu vực chuồng nuôi.
Thu gom chất độn chuồng, chất thải chăn nuôi để ủ phân theo phương pháp nhiệt sinh học hoặc xử lý chất thải bằng đệm lót sinh học nhằm tiêu diệt mầm bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Sau mỗi đợt chăn nuôi phải vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và để trống chuồng 2-3 tuần nhằm phá vỡ vòng luân chuyển của mầm bệnh.
5. Chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý đàn gia cầm
Thức ăn cho gia cầm phải được nhập từ cơ sở có uy tín, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Không sử dụng thức ăn ẩm mốc, kém chất lượng, từ vùng có dịch bệnh hoặc từ cơ sở không rõ nguồn gốc.
Nước uống cho gia cầm phải đảm bảo sạch sẽ, nếu sử dụng nguồn nước ao hồ tự nhiên, nước giếng phải khử trùng bằng hoá chất Cloramin B.
Bổ sung khoáng chất, BTV - Kháng thể E.Coli (Dạng bột mịn), vitamin, chất điện giải thường xuyên để chống stress cho gia cầm khi thời tiết thay đổi đột ngột, sau khi vận chuyển hoặc khi chủng vắc xin.
Tiêu diệt và ngăn chặn các loài động vật gây hại hoặc là nguồn lây lan dịch bệnh cho gia cầm như chuột, chim hoang dã...
Thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe, bệnh dịch của đàn gia cầm. Khi có gia cầm ốm hoặc chết phải cách ly ngay khỏi đàn để hạn chế bệnh dịch lây lan và báo cho cán bộ thú y.
Khi có dịch cúm gia cầm xảy ra phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
BiotechVET tổng hợp Xem thêm: Nguyên tắc, quy trình vệ sinh, sát trùng chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi, Phòng và trị bệnh nấm phổi ở gà
Nguồn: http://biotechviet.vn/bien-phap-phong-chong-benh-cum-gia-cam-T34d0v4401.htm
|